Về nơi khởi nguồn cách mạng

  • Ngày 10-3-1945, xã Thanh La, nay là xã Minh Thanh (Sơn Dương) đã đi vào lịch sử khi diễn ra cuộc khởi nghĩa Thanh La. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa đã tạo tiền đề chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8-1945 giành thắng lợi. 72 năm đã trôi qua, nhưng khí thế cuộc khởi nghĩa ngày ấy vẫn như sống trong từng người con nơi đây.
  •  

    Du khách tham quan di tích lịch sử cách mạng đình Thanh La, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương.  
    Ảnh: Ngọc Chiến

    Thanh La sục sôi

    72 năm về trước, tại ngôi đình Thanh La, thuộc xã Thanh La, nay là xã Minh Thanh đã diễn ra sự kiện trọng đại trong lịch sử đấu tranh, giành độc lập dân tộc. Tại đây, vào đêm 10-3-1945, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy phân khu Nguyễn Huệ, nhân dân xã Thanh La đã nhất tề nổi dậy khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền thắng lợi. Sáng 11-3-1945, hàng ngàn quần chúng nhân dân cùng các đội Cứu quốc quân và dân quân tự vệ đã tham dự cuộc mít tinh ở Thanh La và tiến về giải phóng Đăng Châu – Huyện lỵ Sơn Dương.

    Sau khi Đăng Châu được giải phóng, ngày 16-3, phân khu Nguyễn Huệ tổ chức cuộc mít tinh lớn tại Thanh La, tuyên bố thành lập Châu Tự Do và Ủy ban lâm thời Châu Tự Do. Cuộc khởi nghĩa Thanh La là cuộc khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất trong cả nước. Ủy ban lâm thời Châu Tự Do là chính quyền cách mạng cấp châu đầu tiên trong cả nước được thành lập.

    Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Thanh La đã tạo tiền đề để đội quân khởi nghĩa tiếp tục giải phóng đồn Đăng Châu và các xã của huyện Sơn Dương. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Thanh La với sự ra đời của Ủy ban lâm thời Châu Tự Do đã tạo điều kiện để đón Bác Hồ từ Pắc Bó, Cao Bằng về xã Tân Trào, huyện Sơn Dương ở và làm việc, kịp thời chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 thắng lợi. Trong những năm tháng kháng chiến gian khổ, ngôi đình này cũng là nơi Việt Minh chọn để mở các lớp học chính trị và tổ chức các cuộc họp của Bộ Nội vụ.

    Cụ ông Ma Văn Khoa, thôn Mới, năm nay đã 89 tuổi nhưng vẫn còn nhớ như in ngày diễn ra cuộc khởi nghĩa Thanh La năm ấy. Ngày 10-3-1945, từ nhà ông Nguyễn Đức Đại, làng Toa (lúc đó là Chủ tịch Việt Minh của xã Thanh La) quân khởi nghĩa kéo cờ đi đánh Đăng Châu (huyện lỵ Sơn Dương). Quân khởi nghĩa đã giương cao cờ đỏ sao vàng, hô vang những khẩu hiệu như: “Việt Nam độc lập đồng minh muôn năm”, “Ủng hộ Việt Minh…”. Quân giải phóng đi đến đâu đều được nhân dân nô nức đón chào. Số người tham gia đội quân cách mạng cũng ngày càng đông đảo. Các chức sắc trong chính quyền phong kiến ở địa phương đều ra trình diện, giao nộp bằng sắc, triện đồng của chế độ thực dân phong kiến, xin theo ủng hộ cách mạng.


    Cụ ông Ma Văn Khoa kể lại khí thế cuộc khởi nghĩa Thanh La với con cháu.

    Đêm 12-3-1945, quân giải phóng bao vây đánh đồn Đăng Châu, địch xin đầu hàng, giải phóng đồn xong, ta tổ chức mít tinh và tuyên bố xóa bỏ chế độ cũ, thành lập chính quyền cách mạng Việt Minh của dân, do dân làm chủ. Sau khi chứng kiến tinh thần sục sôi của cách mạng, ngày 1-1-1946, chàng thanh niên Ma Văn Khoa tham gia vào đội du kích bảo vệ khu vực ATK.

    Cùng thời cụ Ma Văn Khoa giờ vẫn còn các cụ Nguyễn Văn Định, thôn Mới, Nguyễn Văn Chiểu, thôn Niếng… Trong tâm trí các cụ, những câu chuyện về cuộc khởi nghĩa sống động như vừa mới diễn ra. Cụ Chiểu nhớ lại, năm ấy cụ được giao nhiệm vụ làm lán bí mật cho các đồng chí cán bộ cấp cao, làm tuyên truyền viên và làm giao liên giữ liên lạc giữa các đồng chí cán bộ, giúp các đồng chí nắm bắt thông tin, chủ động chỉ đạo khởi nghĩa. Trong cuộc khởi nghĩa Thanh La, cụ Chiểu cũng có mặt trong đoàn quân khởi nghĩa đi giành chính quyền.

    Minh Thanh ngày mới

    Ông Ma Văn Tụ, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Thanh tự hào: Phát huy truyền thống cách mạng, người dân Minh Thanh thay đổi mạnh mẽ, nhất là nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, nâng cao tiêu chí thu nhập.

    Minh Thanh lựa chọn 3 cây thế mạnh để giúp bà con làm giàu: Chè, mía, cây lâm nghiệp. Theo UBND xã, Minh Thanh hiện có 30 ha mía, 158 ha chè và trên 200 ha rừng trồng sản xuất. Cây mía, cây chè vốn là cây truyền thống của người dân nơi đây, hiện xã đang tập trung cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng của 2 cây này, trong khi cây lâm nghiệp, dù mới được tập trung phát triển trong 3 năm trở lại đây, nhưng đã góp phần thay đổi đáng kể đời sống của bà con.


    Một góc xã Minh Thanh hôm nay. 

    Ông Tụ minh chứng, giai đoạn 2010 – 2013, vận động bà con trồng rừng ở Minh Thanh là câu chuyện gian nan nhất. Gần như chẳng năm nào xã hoàn thành kế hoạch trồng rừng, do bà con vẫn còn tư tưởng “ăn xổi” khi đưa cây sắn vào trồng trên đất lâm nghiệp. Để thay đổi thói quen của bà con, Minh Thanh “khoán” chỉ tiêu trồng rừng cho gia đình cán bộ, đảng viên trong xã, trong thôn. Cán bộ, đảng viên vừa thực hiện, vừa tuyên truyền, hướng dẫn những hộ gia đình xung quanh về kỹ thuật, lợi ích của trồng rừng. “Mưa dầm thấm lâu”, những khu đồi trọc, đất trống dần được thay thế bằng màu xanh của cây rừng. Ông Tụ bảo, từ năm 2014 đến nay, Minh Thanh luôn đạt và vượt kế hoạch trồng rừng. Riêng trong năm nay, xã được giao trồng 76 ha rừng, đến thời điểm này đã trồng hơn 81 ha. Diện tích rừng sản xuất toàn xã hiện đạt trên 200 ha.

    Mặc dù ở trong vùng đặc biệt khó khăn 135, nhưng mới đây vợ chồng ông Ma Xuân Thư, ở thôn Cầu – một cựu chiến binh trở về từ cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đã mua được xe ô tô. Là một trong những hộ sớm nhận thức được lợi ích kinh tế từ rừng mang lại, cách đây 15 năm, sau khi được giao 7 ha đất đồi rừng, gia đình ông đưa vào trồng các loại cây như keo, bồ đề, mỡ trên tất cả diện tích được giao. Năm nay, sau khi được khai thác diện tích rừng đã đủ tuổi thu hoạch thu về trên 100 triệu đồng, gia đình ông lại bắt đầu trồng rừng vụ mới.

    Minh Thanh là một trong những xã đầu tiên thay đổi về cách thực hiện “Tết trồng cây” mỗi dịp đầu năm. Thay vì trồng cây tại các điểm công cộng, mỗi năm Minh Thanh đầu tư cây giống cho một hộ gia đình, việc hỗ trợ này vừa giúp người dân giảm bớt chi phí trong việc đầu tư cây giống, vừa giúp việc chăm sóc, bảo vệ cây trồng tốt hơn, hiệu quả hơn. Dịp “Tết trồng cây” năm nay, gia đình ông Thư được xã lựa chọn hỗ trợ 1.000 cây keo, ông mua thêm 2.000 cây để trồng trên diện tích vừa khai thác. Học ông, cậu con trai Ma Đức Cẩm cũng trồng trên 3 ha rừng. Anh Cẩm bảo, chưa tính đến chuyện làm giàu, cứ trồng rừng để có nguồn thu nhập ổn định, lại bảo vệ được đất là tốt rồi.

    Ông Ma Xuân Hạ, trưởng thôn Cầu chia sẻ, phong trào trồng rừng giờ phát triển mạnh mẽ lắm, nhà nọ học hỏi nhà kia. Hiện thôn có trên 80 ha rừng, nhiều hộ từ cây rừng mà đổi thay cuộc sống như ông Ma Văn Dương có 6 ha rừng; Ma Văn Hưởng 4 ha; ngay như nhà ông cũng có 5,5 ha…

    Theo kế hoạch, vào năm 2020, Minh Thanh cán đích nông thôn mới, một trong những tiêu chí khó nhất mà xã xác định phải hoàn thành là tiêu chí thu nhập. Theo ông Ma Văn Tụ, với truyền thống tiên phong từ cuộc khởi nghĩa Thanh La lịch sử, sự thay đổi trong thói quen sản xuất của người dân, Minh Thanh quyết tâm cán đích đúng hẹn.

    Ghi chép: Trần Liên

    (st): Nguyễn Ngân

     

     

  • Nguồn: TQĐT

số lượt xem 559

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *