ĐI DỰ QUỐC DÂN ĐẠI HỘI Ở TÂN TRÀO

Đầu tháng 7-1945, một hôm, anh Đan đi họp về báo cho tôi biết là tôi được cử đi dự Hội nghị ở chiến khu. Tin ấy đến với tôi cũng hơi đột ngột và cố nhiên là làm cho tôi phấn khởi. Vì cái đời làm báo bí mật chỉ hết ở xó buồng này thì lại đến xó buồng khác, mặc dù tin tức các nơi đưa lại dồn dập hằng ngày. Đặc biệt hai tiếng “chiến khu” là nơi mơ tưởng của mọi người cán bộ công tác tại thành thị và miền xuôi lúc ấy. Nhưng đi chiến khu là đi đâu? Chúng tôi không rõ. Cả đến cuộc hội nghị gì tôi cũng chỉ biết là một cuộc hội nghị quan trọng lắm vì lúc ấy vấn đề Tổng khởi nghĩa đã đặt ra trước mắt rồi.

Trước ngày rời khỏi cái xó nhà bếp bên cạnh ao rau muống, nhất là cái cầu ao mà mỗi đêm khuya, chúng tôi mới lại dịp tìm ra tắm rửa bì bõm của nhà ông Hai Phiên (tên ông chủ nhà) và xa các bạn đồng chí kiêm đồng nghiệp: anh Đan (Xuân Thủy), anh Hảo (Phạm Văn Huệ), tôi định làm một bài thơ lưu niệm. Nhưng loanh quanh chưa làm kịp thì đã vội lên đường.

Theo quy định, tôi đến một chỗ hẹn có người dẫn đường và tập trung ở Đình Bảng (Bắc Ninh). Vì tránh đi qua Hà Nội và cầu Đuống, chúng tôi phải tìm đường qua sông theo đường đê rẽ về Đình Bảng. Đình Bảng lúc này có thể nói như một trung tâm điểm của cách mạng. Chúng tôi gặp ở đây nhiều đồng chí từ bốn phương lại mà hầu hết là bạn quen biết. Có điều lúc này không ai còn giữ lại họ tên cũ, mà đã mang một tên họ mới. Gặp nhiều anh, tôi muốn chạy lại ôm choàng lấy để hỏi han tâm sự, nhưng cứ phải lờ đi. Nếu có dịp đưa mắt cho nhau tặng nhau một cái mỉm cười là đủ.

Đoàn của chúng tôi qua mỗi trạm thì có thêm người. Đây là hai chị hình như Hoàng Diệu (tên của thành Hà Nội) thì phải vì có vẻ Hà Nội lắm . Đây là một người trắng trẻo vào trạc trung niên, nghe giọng lơ lớ như đồng bào Mường ở Hoà Bình, không biết có đúng không. Lại còn một tóan người bận quần áo nâu nhưng từ cử chỉ đến thân người vẫn không giấu nổi là người thành thị. Qua câu chuyện của họ, tôi còn đoán biết trong đó có kỹ sư, có bác sĩ, có dược sĩ, có nhà thơ, có nhà báo nữa là khác. Còn tôi, có ai đoán gì tôi không. Ngoài Khuất Duy Tiến gặp tôi ở Ký Phú ra, mấy người kia dẫu không biết đích tôi là ai nhưng họ cũng có thể đoán là “một tay kỳ cựu” qua dư luận của họ. Một người mà sau này tôi biết là anh Dương Đức Hiền nói chuyện với tôi về chuyến đi với đồng chí Hoàng Quốc Việt và đoán tôi và anh Việt chẳng xa lạ gì nhau. Một người khác mà sau này mới rõ là Quách Hi, tôi đã nói chuyện nhiều về mấy quan lang ở Hoà Bình mà tôi quen biết. Buồn cười là hai chị phụ nữ thành Hoàng Diệu lại hay nhắc chuyện và thuộc lòng bài thơ lãng mạn cách mạng của Thu Tâm gửi cho Hải Khách đã đăng trên tờ báo thứ  bẩy. Tôi lắm lúc như muốn phá cả kỷ luật để cười to lên: Hải Khách là tôi đấy các chị ạ? Mãi đến những ngày sau này, tại Đại hội trân Trào, khi đề cử người vào Ủy ban Dân tộc giải phóng, một số anh khác và tôi được giới thiệu rõ cả họ tên và tiểu sử thì cái “màn bí mật” mới vén lên, chúng tôi cùng nhìn nhau cười cười gật gật…

Từ Đình Bảng ra đi, chúng tôi không ai bảo ai, nhưng trên mỗi bước đường, trong đầu ai cũng hiện ra câu hỏi: Đi đâu? Họp ở đâu? Kèm theo mỗi câu hỏi như thế là lại có một số phỏng đoán. Mỗi khi con đường đổi hướng thì lời phỏng đoán đó lại đổi khác. Theo lệ thường, chúng tôi theo đường dây chuyển đi từng trạm, ngày đi đêm nghỉ, nhưng cũng có khi thiếu người dẫn đường lại phải chờ đợi. Người dẫn đường cũng chẳng biết chúng tôi đi đâu chỉ biết dẫn đến một trạm nào trực tiếp là hết trách nhiệm. Từ Từ Sơn chúng tôi được dẫn đi qua Chợ Chờ (Yên Phong) rồi qua bến Ngọt, sang sông vào địa phận Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Vừa sang bên kia sông, cái đập vào mắt tôi đầu tiên là cái bảng dựng tại bến sông báo cáo với nhân dân và một vài thể lệ sinh hoạt, dưới ký tên “Ủy ban nhân dân cách mạng”. Thì ra, miếng đất mà chúng tôi được giẫm ở đây không phải dưới gót sắt của giặc Pháp hay Nhật nữa, mà là dưới quyền kiểm soát của chính quyền nhân dân cách mạng rồi. Từ đó, tôi bước chân đi như thấy mình đường hoàng hơn, cất cao đầu lên, chả phải sợ gì cả. Cũng cảnh khổ ấy, cũng dân cư ấy, nhưng trước con mắt tôi, như có cái khác hẳn và trang nghiêm lắm cao quý lắm. Này đây là cái lán lợp lá sơ sài với những bàn ghế chắp bằng tre nứa, trong đó học sinh trai, gái đủ các thứ tuổi đến học i tờ. Này đây là nhà văn hóa mà mới trước đây là cái điếm canh để khám bắt những người qua lại bị tình nghi làm cách mạng, trong đó bày la liệt những báoGiải phóng, báo địa phương. Thú vị nhất là em bé ngồi trên mình trâu hát bài Tiến quân ca , một bài hát mới lọt vào tai tôi lần đầu. Ở đây hai tiếng “đồng chí” là danh từ xưng hô dùng với tất cả mọi người, nghĩa là cả với những người không phải đồng chí. Nhưng khẩu hiệu “ba không” đã trở nên một kỷ luật sinh hoạt tự giác từ em bé sáu, bảy tuổi trở lên. Một hôm, tại trại nằm chờ, chúng tôi có dịp ra chơi chợ Hoàng Vân. Chợ họp đông đúc không khác gì các phiên họp thường, nhưng khẩu hiệu chống Nhật cứu nước thì la liệt ở khắp mọi chỗ.

Từ mấy tháng nay, làm báo bí mật ở vùng địch chiếm nên sinh hoạt cũng tối tăm, lần này được chạy nhảy tung tăng ở một cái chợ vùng tự do tôi cảm thấy thích thú quá. Từ Hiệp Hoà, chúng tôi sang Phú Bình, tiến vào địa hạt Thái Nguyên, qua những miền đồi núi để dần dần đi sâu vào núi cao rừng rậm thì cái ấn tượng “chiến khu” cũng đậm đà. Tại trại nằm chờ ở Phú Bình, tôi được nghe chuyện có những tên gián điệp của Nhật tìm lên chiến khu do thám rồi bị ta bắt được. Sự thực, lúc ấy Hà Nội và mấy tỉnh đồng bằng, hai tiếng “chiến khu” đã hấp dẫn mãnh liệt những thanh niên hăng hái chưa bắt được manh mối cách mạng. Vì tính hiếu kỳ và mạo hiểm, một số đã tự động tìm lên chiến khu của Việt Minh, trong đó có cả những người có anh em thân thích hiện đương ở chiến khu hay gia nhập Quân Giải phóng. Đôi với đoàn chúng tôi lúc ấy, những đồng chí dẫn đường cũng không biết là đoàn gì, đi đâu, thường gọi là đoàn học sinh quân, mặc dầu thành phần và tuổi tác của chúng tôi chẳng có gì là học sinh cả.

Từ trạm Bình Định ra đi, đoàn chúng tôi được nếm một phong vị mới là sinh loạt theo lối quân sự. Tại các trạm trước, chúng tôi chỉ cần một người dẫn đường, vừa đi vừa nói chuyện thong thả. Nhưng từ đây, chúng tôi đi có một tiểu đội du kích hộ tống. Chúng tôi rất phấn khởi thấy mình “oai” quá, đặc biệt là lần đầu tiên được trông thấy quân trang của mình có sung liên thanh do đồng chí tiểu đội trưởng khoác ngang mình và mỗi đội viên đều có ít nhất ba, bốn quả lựu đạn đeo lặc lè quanh sườn. Nhưng cái hứng thú ấy bị hạn chế khi chúng tôi thấy buộc phải quân sự hóa trước khi lên đường phải hô số, phải đi nối đuôi nhau và lúc đi phải yên lặng không được nói chuyện, phải bước rảo để theo kịp anh em hộ tống. Chẳng những thế đồng chí tiểu đội trưởng vừa đi vừa nghe ngóng tình hình, ra lệnh mỗi khi qua đường cái phải chạy nhanh, mỗi khi thấy động phải tản đi hay nằm xuống. Đối với những động tác quân sự này, đồng chí tiểu đội trưởng làm rất đúng luật, nhưng không một chút “chiếu cố” gì cho chúng tôi là những người từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa hề tập quân sự lần nào. Thế nhưng rồi một ngày, hai ngày cũng quen đi. Có lần đến gần Cát Nê, chúng tôi đương đi trên đường cái có tin hoang báo là quân Nhật đến. Rồi, người nọ truyền cho người kia, chỉ trong giây phút, dân làng xung quanh đã nổi hiệu lệnh, phân tán ra đồng, ra rừng và du kích bố trí mai phục. Cuối cùng, câu chuyện té ra là có người làng trông thấy chúng tôi với một tiểu đội vũ trang thì tưởng là quân Nhật, hô lên. Đến lượt chúng tôi và tiểu đội nghe tiếng báo động cũng đã tưởng quân Nhật đến thật. May mà không bắn lầm nào nhau. Do đó mỗi khi đến trạm chờ là một dịp cho chúng tôi nằm nhoài ra và nói chuyện cho thích.

Chúng tôi đương loanh quanh trong địa hạt Thái Nguyên. Hôm nằm ở làng Quán Chu, chân núi Tam Đảo, có người nhớ đến tháng này (tháng 8 là tháng mà cách 38 năm trước, Đội Cấn và anh em binh lính khố xanh đã nổ ra cuộc khởi nghĩa) và đề nghị tôi nói chuyện. Tôi cũng chuẩn bị nói chuyện vào buổi tối thì nhận được tin phải đi ngay. Đi đâu? Chúng tôi bàn mảnh với nhau.

Ai cũng có một cái bản đồ ở trong đầu, thấy rằng từ Thái Nguyên có thể lên Bắc Kạn, và cũng có thể rẽ sang Tuyên Quang. Do đó, mỗi người lại phỏng đoán một địa điểm của hội nghị…

Trong khi đoàn người chúng tôi còn loanh quanh trong mấy tỉnh Bắc Ninh,  Bắc Giang, Thái Nguyên như vậy thì trên thế giới đương có những chuyển biến gấp rút. Liên Xô đã tham gia cuộc đánh Nhật ở châu Á và Hồng quân đương phá tan đạo quân Quan Đông. Tin phátxít Nhật đầu hàng Đồng minh truyền đi. Do đó, Hội nghị cán bộ của Đảng cũng như Đại hội Quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập phải tiến hành gấp rút, không thể chờ các đại biểu các nơi đến đông đủ rồi mới làm theo dự định trước. Thực ra, ở vào điều kiện lúc ấy, triệu tập được một cuộc hội nghị, có đại biểu toàn quốc tham gia là một việc khó khăn và phải chuẩn bị lâu dài. Bây giờ thì cuộc Tổng khởi nghĩa đã được chuẩn bị theo kế hoạch, nhưng việc quân Nhật đầu hàng diễn ra đột ngột quá nên ngày khởi nghĩa cũng phải đề ra kịp thời. Trên đường đi tới hội nghị lúc ấy, từng đoàn cán bộ, người thì được lệnh trở về ngay địa phương để trực tiếp lãnh đạo khởi nghĩa, người thì phải đi luôn ngày đêm để kịp đến địa điểm Hội nghị. Từ Quán Chu trở đi, đoàn người chúng tôi đã được lệnh phải đi nhanh hơn thước và nếu cần thì đi cả đêm. Thực ra từ mấy hôm nay, chúng tôi không đi được thao nhiêu, vì đi theo đường dây truyền của trạm giao thông chứ không phải đi đường thẳng. Có đôi chỗ, theo nguyên tắc bí mật, người dẫn đường còn dẫn chúng tôi đi vòng vèo để làm lạc phương hướng, cực dĩ có con đường làm ra chỉ đi một lần rồi lại lấp đi mất tích. Vào lúc bình thường, cũng đường đất ấy chúng ta đi rất nhanh và không tốn bao ngày giờ, nhưng lúc này thì mất công và tốn thì giờ nhiều. Vả lại, những đường đất đã qua và sắp qua, sau này, nhất là những ngày kháng chiến, chúng tôi có dịp đi lại nhiều thì mới nhận rõ, chớ lúc ấy thì mỗi bước mỗi lạ, dẫn đi đâu thì biết đi đấy thôi. Tuy vậy, theo lệnh phải đến địa điểm hội nghị càng sớm càng hay, chúng tôi từ đây cũng đi theo một “điệu” khác.

Gian khổ từ Cao Vân, chúng tôi đi sâu vào rừng thẳm. Đường đi nhiều lúc lội theo suối. Trong đoàn chúng tôi có những người từ trước chưa biết rừng là gì, đặc biệt là chưa biết con vắt thế nào thì bây giờ đã bắt đầu được nếm cái phong vị của núi rừng. Trời lại mưa, những lúc lên đèo, xuống đèo, nhiều người vừa đi vừa ngã. Có người bị vắt cắn đúng chỗ hiểm cứ nhảy lên như choi choi, tự mình không lôi được vắt ra, phải nhờ người khác cứu giúp. Sau này khi đã thông thạo đường đất, tôi mới biết rõ đáng lẽ phải đi vòng qua đèo Khế, đến châu Sơn Dương là châu Tự Do, rồi rẽ vào địa điểm hội nghị, nhưng lúc ấy người dẫn đường dẫn theo đường tắt nên đến thẳng địa điểm hội nghị. Tôi nhớ vào ngày 12-8-1945.

Thế là, không phải sông Lô trong xanh, cũng không phải hồ Ba Bể thơ mộng, chúng tôi đã đến bản Kim Long, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) – địa điểm hội nghị. Hai chữ Tân Trào cũng mới đặt ra sau khi đã được chọn làm căn cứ địa của cách mạng. Ở đây, núi không cao, không hiểm trở nhưng âm u rậm rạp, suối quanh chằng chịt, mỗi khi mưa to nước lên thì đường bị nghẽn hết. Sau khi châu lỵ Sơn Dương đã bị ta phá huỷ, quân Nhật không còn dám đóng ở đây nữa nên vùng này là một giang sơn riêng của ta. Các đường cái và sân bay được dựng lên từ thời thực dân Pháp đến bây giờ đã biến thành rừng. Ở đây có thể thông sang Quảng Nạp về phía Chợ Chu hay có thể thông ra Cao Vân, Văn Lãng đều thuộc vào vùng căn cứ. Sau khi bộ máy lãnh đạo của ta rời từ Cao Bằng về đây thì Tân Trào được coi như là “Thủ đô” của ngày tiền khởi nghĩa.

Cái cảm tưởng của tôi khi đến Tân Trào không có nghĩa như về Thủ đô, mà là về với đại gia đình. Tôi đến đây thì Hội nghị cán bộ của Đảng cũng vừa họp xong và đương sửa soạn gấp rút để họp Quốc dân Đại hội. Những anh em mà tôi xa cách từ lâu, có người từ sau phong trào Mặt trận bình dân rút vào bí mật hay đi ngoại quốc, có người tạm biệt từ nhà tù Sơn La làm một cuộc “lữ hành” lớn qua Mađagátxca, Ấn Độ rồi lại nhảy dù xuống đất nước thân yêu; cũng có người chia tay nhau từ Côn Lôn không hẹn ngày gặp gỡ, đến bây giờ lại gặp nhau ở đây. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, tíu tít kể chuyện cho nhau nghe từ ngày cách biệt, nói rồi lại nói, lời chưa dứt lời, không có đầu đuôi gì cả. Thật không có sung sướng nào hơn những người đồng chí sau một trận chiến đấu ác liệt lại trông thấy mặt nhau. Chúng tôi ngay từ phút đầu gặp gỡ đã không quên nhắc đến những đồng chí đã chết. Gặp anh nào đã ở nhà tù Sơn La từ năm 1940 đến năm 1943, tôi cũng bảo: “Giá bây giờ Tô Hiệu còn sống thì thế nào cũng có mặt ở đây hôm nay!”.

Gặp anh Võ Nguyên Giáp, câu đầu tiên tôi hỏi: “Có nhớ Thái không?”.

Tuy vậy, một điều mong mỏi mà tôi ôm ấp ngay từ khi được tin cử đi dự Đại hội là gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc, vì ở dưới này cũng đã biết phong phanh rồi. Trong lúc gặp mấy anh thường xuyên tại đây, tôi chờ tin nhưng không thấy ai nhắc đến. Tôi  thấy thế cũng không tiện hỏi. Buổi tối họp trao đổi ý kiến giữa một số đảng viên về việc tổ chức buổi khai mạc của Quốc dân Đại hội, khi bàn đến bầu Chủ tịch đoàn, tôi đề nghị nên bầu đồng chí Nguyễn Ái Quốc vào Chủ tịch đoàn danh dự. Một vài đồng chí đưa mắt cho nhau mỉm cười. Tôi biết ý cũng mỉm cười, càng tin chắc rằng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc hiện ở đây rồi, mà đã ở đây thì vấn đề gặp đồng chí là lẽ tất nhiên.

Tân Trào trong những ngày họp Hội nghị cán bộ đảng và họp Đại hội Quốc dân cũng có vẻ như một ngày hội. Từng đoàn đại biểu từ các nơi đến. Bộ đội Giải phóng quân đi lại nhộn nhịp. Các đại biểu đến dự Hội nghị đều được bố trí ăn ở tại khu nhà xóm Gốc Đa. Đàn bò tịch thu được ở mấy đồn điền cũng đem đến đây giết thịt làm thức ăn cho Đại hội. Bên gốc đa Tân Trào, một nhà văn hóa mới được dựng lên. Có cả một cái dù trắng căng ra. Nhớ rằng: trước con mắt chúng tôi hồi ấy, dù trắng hay dù xanh, dù đỏ là khác thường và quyến rũ lắm.

Trước ngày khai mạc Quốc dân Đại hội có cuộc họp các ủy viên của Tổng bộ Việt Minh. Thực ra, vì điều kiện tổ chức bí mật, cũng đến hôm ấy, tôi và một số ủy viên mới biết mặt, biết tên nhau.

Tin Nhật đầu hàng thúc giục Ủy ban khởi nghĩa phải làm việc gấp rút. Lệnh khởi nghĩa của Ủy ban lâm thời Khu giải phóng đã được truyền đi, các công văn, chỉ thị đều được đóng hai dấu ở ngoài, nghĩa là phải truyền theo các trạm đi luôn ngày đêm không nghỉ.

Đêm 13 tháng 8, trong một cán nhà sàn lợp lá, tôi được đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) ủy cho thảo bản Quân lệnh số I của Ủy ban khởi nghĩa. Mặc dầu ngồi dưới ngọn đèn lù mù mà những con tầm xuân, con thiêu thân bay quanh tới tấp, muỗi và dĩn thi nhau đốt làm tôi lắm lúc nẩy người lên hay đập chân bành bạch, tôi vẫn say sưa nghĩ đến cảnh nước mất, dân nhục từ hơn bốn mươi năm, nghĩ đến sự nghiệp cách mạng của mấy thế hệ qua, những cuộc khởi nghĩa của văn thân, của Việt Nam Quốc dân Đảng cho đến ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương… Bản Quân lệnh số I lúc ấy tôi thảo ra một mạch, đọc đi đọc lại vẫn không sửa chữa một chữ nào. Viết xong, tôi trao cho anh Văn, nhìn anh nghĩ đến ngày gặp nhau từ báo Le Travail (Lao động), tôi mỉm cười nghĩ thầm theo quan niệm cũ: chàng bạch diện thư sinh này đã trở nên một vị tướng rồi ư? Thế là cuộc tổng khởi nghĩa đã phát động, Ủy ban khởi nghĩa chỉ còn chờ chính thức hóa tại Quốc dân Đại hội.

Chiều 16 tháng 8, trước lúc Đại hội Quốc dân khai mạc là giờ xuất quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp lãnh đạo kéo về đánh Thái Nguyên. Dưới gốc đa Tân Trào, một đại đội Giải phóng quân với những vũ khí trang bị cũ có, mới có, nhưng trước con mắt tôi lúc ấy là oai lắm. Những tiếng hô quân và tư thế của đại đội trưởng Quang Trung gieo vào tôi một ấn tượng rất khoái chí vì lần đầu tiên tôi mới được thấy cảnh thấy người như vậy. Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp, một hình ảnh quen thuộc của tôi, nhưng tôi đã thấy một cái mới về giọng nói đanh thép của anh sau mấy năm chiến đấu. Sau mấy lời báo cáo vắn tắt của đồng chí Văn trước đại biểu Quốc dân Đại hội, tôi được thay mặt đoàn đại biểu nói mấy câu cổ vũ bộ đội quyết chiến quyết thắng. Đoàn quân rầm rập đi, tôi cảm động sung sướng quá đến muốn khóc.

Cũng ngay chiều hôm ấy (16-8), Quốc dân Đại hội bắt đầu họp tại đình Tân Trào, trông ra bờ suối. Đình lợp giạ có ba gian. Gian giữa có bàn thờ, vẫn để nguyên không đụng chạm đến. Hội nghị họp tại gian bên trái (trông ra bờ suối).

Còn gian bên phải thế triển lãm sách báo cách mạng. Cờ đỏ sao vàng căng ở vác1 tường. Ghế ngồi của các đại biểu đều bằn1 tre, gỗ rất sơ sài. Trong số 60 đại biểu, có cả đại biểu từ Nam Bộ, miền Nam Trung Bộ và Việt kiều ở Thái Lan, ở Lào. Quần áo của các đại biểu cũng đủ mọi kiểu. Tôi nhớ đồng chí Trường Chinh thì có bộ âu phục1 tương đối chững chạc, nhưng đồng chí Hoàng Quốc Việt thì vẫn bộ quần áo màu màu nâu tàng, lại đội chiếc khăn xếp đã tã. Các anh Nguyễn Lương Bằng (Sao Đỏ), Phạm Văn Đồng (Tống), Dương Đức Hiền và tôi được đề cử là Chủ tịch đoàn, thay phiên nhau điều khiển Hội nghị. Ngoài bản báo cáo chính trị nói về tình hình thế giới và Đông Dương đề ra việc Tổng khởi nghĩa là bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng, các đại biểu thay mặt các đảng phái như đồng chí Trường Chinh (Đảng Cộng sản Đông Dương), Hoàng Quốc Việt (Công nhân Cứu quốc), Trần Đức Thịnh (Nông dân Cứu quốc), Nguyễn Đình Thi (Văn hóa Cứu quốc), Hoàng Đạo Thúy (Hướng đạo), v.v.. đều lần lượt phát biểu ý kiến. Đại hội nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và thông qua Mười chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, như: giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập; võ trang toàn dân, phát triển Quân Giải phóng Việt Nam; tịch thu tài sản của giặc nước và của Việt gian, tuỳ từng trường hợp sung công làm của quốc gia hay chia cho dân nghèo; bỏ các thứ thuế do Pháp, Nhật đặt ra, đặt một thứ thuế công bằng và nhẹ; ban bố những quyền của dân, như: nhân quyền, tài quyền (quyền sở hữu), dân quyền (các quyền tự do dân chủ, phổ thông đầu phiếu, dân tộc bình quyền, nam nữ bình quyền); chia lại ruộng công cho công bằng, giảm địa tô, giảm lợi tức, hoãn nợ, cứu tế nạn dân; ban bố Luật Lao động, ngày làm tám giờ, định tiền lương tối thiểu, đặt xã hội bảo hiểm; xây dựng nền kinh tế quốc dân, phát triển nông nghiệp; mở quốc gia ngân hàng; xây dựng nền quốc dân giáo dục, chống nạn mù chữ, phổ thông và cưỡng bách giáo dục đến bậc sơ cấp, kiến thiết nền văn hoá mới; thân nhiên và giao hảo với các nước Đồng minh và các nhược tiểu dân tộc để giành lấy sự đồng tình và ủng hộ của họ…

Đại hội làm việc khẩn trương từ chiều ngày 16 và suốt ngày 17. Sau khi Đại hội đã thông qua những nghị quyết và sắp bầu Uỷ ban Dân tộc giải phóng toàn quốc thì có tin báo Cụ Hồ Chí Minh sắp lại thăm Hội nghị. Cụ Hồ Chí Minh là ai? Trong các đại biểu có một số đã biết là ai rồi, nhưng cũng có một số chưa từng nghe biết bao giờ cả. Về phần tôi, thực tình ba tiếng “Hồ Chí Minh” mới đến với tôi lần đầu tiên, nhưng tôi đã biết ngay là ai. Cả Hội nghị chăm chú nhìn về phía trước.

Rồi, trước mắt tôi, một người xắn quần đội mũ nồi, tay chống gậy đi qua trước đình nhưng không vào thẳng Hội nghị, mà rẽ xuống suối rửa chân rồi mới vào. Người không còn là một thanh niên tuấn tú như tôi đã thấy trong ảnh nữa, mà là một Cụ Già gầy ốm da xanh nhợt, má hơi hóp vào, tuy vậy vầng trán cao và đôi mắt trong sáng vẫn nổi bật lên. Cụ Hồ Chí Minh bước vào đình. Hội nghị vỗ tay vang dội. Cụ bắt đầu nói, nói về tình hình Nhật đầu hàng Đồng minh cùng công việc cấp tốc phải làm hiện nay. Thực tình, lúc ấy, tôi chờ đợi những giọng nói hùng hồn hơn, đanh thép hơn, thì lại được nghe những lời giản dị rõ ràng với cách nói chậm rãi. Đại hội trở lại làm việc, bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng toàn quốc. Những người được đề cử đều có người giới thiệu quá trình công tác cách mạng một cách sơ lược. Người giới thiệu tôi là đồng chí Tống (Phạm Văn Đồng). Ủy ban Dân tộc giải phóng bầu ra theo nghị quyết của Đại hội, một khi cần thiết sẽ đổi thành Chính phủ tạm thời. Ủy ban do Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, còn tôi làm Phó Chủ tịch. Đến lượt Uỷ ban Dân tộc làm lễ tuyên thệ trước Đại hội. Đây là những phút trang nghiêm nhất và cảm động nhất. Đồng thời, đoàn đại biểu nhân dân địa phương gồm cả già, trẻ, trai, gái dắt một con bò và mang mấy sọt gạo đem đến mừng Hội nghị. Các uỷ viên trong Ủy ban Dân tộc giải phóng ra bắt tay các đại biểu nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ vào một em bé cởi truồng mang cái bụng giun to tướng, nói với các đại biểu: “Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao cho các em bé như em bé này có cơm ăn, áo mặc, khỏe mạnh và được học hành”. Đây cũng là câu nói đầu tiên thấm vào tình cảm của những người mới lần đầu tiên gặp Người.

Đại hội bế mạc giữa làn không khí khởi nghĩa sôi sục, nhiều đại biểu hứa hẹn mau về địa phương để kịp lãnh đạo nhân dân phất cao cờ khởi nghĩa.

 

TRẦN HUY LIỆU

 (st) Đức Thuận

 

  • Nguồn: Nxb Chính trị quốc gia

số lượt xem 555

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *