CẢM NHẬN VỀ DI TÍCH LỊCH SỬ TÂN TRÀO

  • Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng dạy: “ Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Dù Bác đã đi xa nhưng câu nói của Người dường như vẫn in sâu trong tâm trí mỗi người con đất Việt. Vì vậy, trường THCS Lê Quý Đôn đã tổ chức cho chúng em đi trải nghiệm thực tế tại ATK Tân Trào. Đây có lẽ là chuyến đi thú vị, khó quên nhất đã giúp chúng em hiểu rõ hơn về lịch sử đấu tranh vẻ vang của dân tộc ta
  •  

    Tân trào là cái nôi của cách mạng Việt Nam, là nơi Bác Hồ và các chiến sĩ đã trải qua những ngày tháng thiếu thốn cùng cực và đầy gian truân, thử thách. Tân Trào là một xã của huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang có núi Hồng và sông Phó Đáy bao bọc. Nơi đây được biết đến là Thủ đô kháng chiến của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Khu di tích lịch sử Tân Trào gồm có 183 di tích, với các địa danh nổi tiếng như: Lán Nà Nưa, đình Tân trào, đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào,…

    Giáo viên và học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn TP Lào Cai chụp ảnh lưu niệm tại lán Nà Nưa

    Lán Nà Nưa ( lán Nà Lừa) là nơi chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945 để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám. Căn lán được làm theo kiểu nhà sàn, lợp lá cọ màu nâu xỉn, dưới các tán cây rậm rạp, đảm bảo bí mật lại gần dân. Lán có hai gian nhỏ, gian trong là nơi bác nghỉ ngơi, gian ngoài là nơi Bác làm việc. Khó ai có thể tin rằng chỗ ngủ của Bác chỉ là một cái giường làm bằng tre vầu, giống như chiếc chõng. Trong những năm tháng cực khổ ấy, Bác đã sống và làm việc trong căn lán nhỏ chưa đầy 12 mét vuông này. Cũng chính tại nơi đây, vào một đêm cuối tháng 7-1945, giữa hai trận sốt rét, Bác đã nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp như người cha tin yêu căn dặn người con phải ghi long tạc dạ câu nói này, và đây cũng chính là câu nói bất hủ của Bác Hồ: “ Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết dành cho được độc lập”. Giữa cơn đau ốm “thập tử nhất sinh”, Bác vẫn quên mình vì dân vì nước, vẫn lo cho cuộc tổng khởi nghĩa sắp tới. Thật cảm động biết chừng nào! Có ở bên cạnh Bác, có cùng Bác trải qua những năm tháng cực khổ muôn phần đắng cay mới thấu hiểu hết tình yêu thương dân tộc và đức hy sinh cao cả ở Người.
    Đến với Đình Tân Trào em được biết đến cũng nằm trong quần thể di tích ấy. Đình được xây dựng vào năm 1923 theo kiểu nhà sàn, cột gỗ ba gian hai chái, sàn lát ván, là nơi hội họp, sinh hạt văn hóa của dân làng. Mái đình Tân Trào không chỉ ghi dấu những sự kiện lịch sử trong thời kì cách mạng mà còn ghi dấu những sự kiện sâu sắc trong thời kì hòa bình. Vào ngày 20/3/1961, Bác Hồ đã về thăm lại quê hương cách mạng Tân Trào, thăm lại mái đình Tân Trào – nơi mở đầu cho cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc ta.
    Đình Hồng Thái cách đình Tân Trào gần 4km trên đường đi Sơn Dương. Nơi đây còn được biết đến là trạm giao liên và là nơi huấn luyện quân sự trong suốt thời kì kháng chiến. Đình còn là điểm dừng chân của các đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội, là trạm thường trực “ An toàn khu cuả Trung ương đóng ở Tân Trào.
    Cây đa Tân Trào cách đình Tân Trào khoảng 500 mét về phía Đông. Chính tại nơi này, hơn 70 năm về trước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm lễ xuất quân tiến về Hà Nội và giành thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám – 1945.

    “Mình về còn nhớ núi non
    Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
    Mình đi, mình có nhớ mình
    Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?
    ( Việt Bắc- Tố Hữu)

    Là người đi qua bao thời kì thăng trầm cùng lịch sử Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ra trong thời kì của thời kì phong kiến, lớn lên gặp cách mạng và ngọn cờ của Chỉ tịch Hồ Chí Minh, bác Giáp đã dành trọn đời mình đi theo và thực hiện sứ mệnh lịch sử mà Chỉ tịch Hồ Chí Minh đã trao cho.
    Có thể nói, chuyến đi trải nghiệm ở khu di tích lịch sử Tân Trào đã để lại cho chúng em những bài học thực tế quý giá. Được tận mắt chứng kiến nơi ở và làm việc của Bác Hồ trong suốt thời kì kháng chiến, mỗi người như được sống lại cùng những giây phút vẻ vang của dân tộc. Chúng em tự hứa với mình rằng sẽ không ngừng phấn đấu, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức để tiếp bước cha anh, xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu đẹp.

    Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Hồng – Lớp 8C

     

  • Đức Thuận (ST) theo Trường THCS Lê Quý Đôn TP Lào Cai

số lượt xem 5885

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *